Nguồn gốc Nghị chính Vương Đại thần

Hoàng Thái Cực mặc triều phục. Ông thành lập Nghị chính xứ năm 1627

Theo nhà sử học Robert Oxnam, sự hình thành Nghị chính xứ là "một quá trình phức tạp và thường gây nhầm lẫn."[5] Theo ông, Nghị chính xứ có nguồn gốc từ thể chế không chính thức được Nỗ Nhĩ Cáp Xích tạo ra để thúc đẩy mô hình cộng trị bộ tộc Kiến Châu Nữ Chân. Theo đó, một số con em trong gia đình được Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ định tham gia cùng họp bàn chính sự với ông. Để phân biệt các thủ lĩnh quý tộc thành viên gia đình Nỗ Nhĩ Cáp Xích, được xem là có địa vị cao hơn các thủ lĩnh Mãn Châu (belei, bối lặc) khác, họ được tôn xưng là Hošo beile (Hòa thạc Bối lặc hay Đại bối lặc), với từ hošo trong tiếng Mãn có nghĩa là "tôn quý". Cơ cấu này thường được gọi là cơ cấu Bối lặc nghị chính (議政貝勒; tiếng Mãn: ᡩᠣᡵᠣ
ᠵᠠᡶᠠᡥᠠ
ᠪᡝᡳᠰᡝ, Möllendorff: doro jafaha beise).

Trong quá trình thống nhất các bộ tộc Nữ Chân, để thuận tiện cho việc quản lý và điều động tác chiến, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã cho biên chế các bộ tộc Mãn Châu quy thuận ông thành các Kỳ (Gūsa). Ban đầu, vào năm 1601, mới chỉ có 4 Kỳ, đến năm 1615 thì mở rộng thành 8 Kỳ, hình thành chế độ Bát Kỳ nổi tiếng.[6] Năm 1622, Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ định một số Hòa thạc Bối lặc thân tín làm thống lãnh các Kỳ,[6] và ra chế định các Hòa thạc Bối lặc họp bàn cùng nhau về các chính sách quan trọng, đặc biệt là về quân sự.[7] Các Hòa thạc Bối lặc về sau được gọi là các "Nghị chính vương" (议政王).[8]

Một cơ cấu khác cũng được cho là nguồn gốc hình thành Nghị chính xứ là nhóm 5 quý tộc Mãn Châu phụ trách hành chính (议政五大臣, Nghị chính Ngũ đại thần)[Chú 1] và 10 quý tộc Mãn Châu phụ trách tư pháp (理事十大臣, Lý sự Thập đại thần), được Nỗ Nhĩ Cáp Xích thành lập vào khoảng năm 1615–1616.[9] Theo Oxnam, cơ cấu này về sau được gọi là "Nghị chính đại thần" (议政大臣),[8] giữ vai trò phụ tá cho các Hòa thạc Bối lặc trong việc họp bàn quốc chính.[10] Tuy nhiên, theo Franz Michael, cơ cấu này chỉ là "cố vấn kỹ thuật", một quan điểm được Silas Wu (Ngô Tú Lương) bảo vệ.[11] Đến năm 1623, cơ cấu 8 Cố sơn Ngạch chân (Gūsa Ejen) thống lĩnh các Kỳ cũng được hình thành, chủ yếu phụ trách giám sát các mưu đồ bí mật của các Hòa thạc Bối lặc.[12]